Thứ năm, 28/11/2024 02439448033 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ năm, 28/11/2024 Thông tin điện tử

Thứ hai, 24/06/2024

White List giúp báo chí 'sống khỏe' với nội dung 'sạch'

Các nhà sáng tạo nội dung và các cơ quan báo chí đều thấy có sự dịch chuyển dòng tiền quảng cáo về các nội dung 'sạch'. Những trang/kênh làm nội dung 'sạch' sẽ có nhiều quảng cáo hơn, đồng nghĩa tăng doanh thu.

Sáng kiến White List - Danh sách các trang/kênh khuyến khích các nhãn hàng, doanh nghiệp lựa chọn để quảng cáo sản phẩm - được Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai tại Việt Nam từ giữa năm 2023.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã chia sẻ thông tin với Báo VietNamNet về hiện trạng triển khai cũng như những lợi ích bước đầu mang lại của sáng kiến White List.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử. Ảnh: BM

Dịch chuyển dòng tiền quảng cáo về nội dung “sạch”

Vì sao Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định triển khai sáng kiến White List, thưa ông?

Cục trưởng Lê Quang Tự Do: Những năm gần đây có sự bùng nổ hoạt động sáng tạo nội dung trên mạng Internet, chủ yếu là trên các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, TikTok, Facebook… Tuy nhiên, các nền tảng xuyên biên giới thường chi trả cho những người sáng tạo nội dung theo hướng càng nhiều view/tương tác càng được nhiều tiền. Không ít người không đủ trình độ, tài năng, nhiệt huyết để làm những nội dung có sự đầu tư công phu, chất lượng, đã nghĩ cách làm tin giả, giật gân, gây sốc để tăng view và hút tương tác. Hệ lụy là nhiều người làm nội dung “bẩn” – những nội dung lệch chuẩn, xấu độc – lại thu bộn tiền. 

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử theo dõi thì thấy, trong số những người tung tin giả, tin xấu độc về những vấn đề rất nhạy cảm liên quan tới chính trị, an ninh quốc gia…, cũng có nhiều người chỉ nhằm mục đích kiếm tiền. Họ cắt ghép hình ảnh, lấy nội dung từ trên báo, rồi lồng ghép nội dung xuyên tạc, bôi nhọ và đặt tít rất kêu để gây ra sự tò mò. Nội dung quảng cáo của các đại lý và các nhãn hàng (chủ yếu trên YouTube) bị gắn vào những nội dung “bẩn” đó sẽ khiến cho an toàn thương hiệu không được đảm bảo.

Với sự tham mưu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tháng 7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó bổ sung nhiều quy định mới đối với hoạt động quảng cáo xuyên biên giới, chẳng hạn không được quảng cáo vào những nội dung xấu độc.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 15/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; và Nghị định số 129 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, thể thao, quyền tác giả, quyền liên quan, văn hóa và quảng cáo.

Với hành lang pháp lý khá đầy đủ chế tài, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử là đơn vị chủ lực rà quét, phát hiện, xử phạt những quảng cáo gắn vào nội dung độc hại. Từ năm 2022 đến nay, Cục đã xử phạt 26 doanh nghiệp với tổng số tiền khoảng 400 triệu đồng.

Các đại lý, nhãn hàng nhận thấy quảng cáo gắn với nội dung xấu độc ảnh hưởng tới thương hiệu, và họ cũng bị xử phạt, nên rất mong muốn có giải pháp để khắc phục. 

Vì vậy, các nhãn hàng, đại lý quảng cáo và Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã cùng suy nghĩ, đề xuất ra sáng kiến White List. Theo đó, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử lựa chọn những trang/kênh có đăng ký, có xác thực, đảm bảo cam kết sẽ làm những nội dung không vi phạm, để giới thiệu cho các nhãn hàng, đại lý quảng cáo. 

Khi White List được triển khai rộng rãi, những người làm nội dung “sạch”, nội dung tốt, đàng hoàng, sẽ nhận được dòng tiền quảng cáo tốt; những nội dung “bẩn” sẽ bị cắt “nguồn dinh dưỡng”.

Vậy thực tế triển khai White List đã đem lại hiệu quả như thế nào?

White List được triển khai từ giữa năm 2023 đến nay, bước đầu cho thấy có chuyển biến trong thực tiễn. 

Hiện White List đã có khoảng 5.000 kênh, trong đó, gần như tất cả các cơ quan báo chí đều đã đăng ký tham gia. 

Triển khai chuyển đổi số báo chí, bên cạnh việc áp dụng những công nghệ mới trong hoạt động tác nghiệp, các cơ quan báo chí còn chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng đa phương tiện và tăng hiện diện trên môi trường mạng. Theo thống kê của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, tất cả các đài/báo đều đã có tài khoản mạng xã hội, nhiều báo/đài có kênh trên cả YouTube, TikTok, Zalo, Facebook…; một số đài, cơ quan báo chí lớn còn triển khai nội dung chuyên biệt trên các nền tảng mạng xã hội. Nhờ đó giải quyết được 2 nhiệm vụ lớn: Một là lan tỏa thông tin chính thống trên các nền tảng mạng xã hội, nhất là các mạng xã hội xuyên biên giới, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực, lấy tin chính thống để đẩy lùi tin giả trên mạng xã hội. Và hai là giải quyết một phần bài toán kinh tế báo chí. 

Qua khoảng 1 năm triển khai White List, các nhà sáng tạo nội dung và các cơ quan báo chí đều thấy có sự dịch chuyển dòng tiền quảng cáo về nội dung “sạch”. Các tài khoản/trang/kênh làm nội dung “sạch” có nhiều quảng cáo hơn trước. 

Tại một hội nghị giao ban của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Hà Nội cùng đại diện nhiều báo, đài đánh giá rất cao sáng kiến White Lits. Bởi vì trước kia, họ không cạnh tranh lại được những nội dung xấu, độc, “bẩn” trên các nền tảng mạng xã hội. Nhưng bây giờ, những nội dung tốt đã có thêm doanh thu.

Một lợi ích nữa của White List là khuyến khích các cơ quan báo chí sản xuất nội dung trên mạng xã hội nhiều hơn, nâng cao tay nghề cho những phóng viên “đa di năng”.

Các cơ quan báo chí cần phải thay đổi để rtheo kịp với thời cuộc. Ảnh minh hoạ

Cơ quan báo chí phải thay đổi để theo kịp thời cuộc

Cá nhân ông với cương vị Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã cảm thấy hài lòng với những kết quả đạt được hay chưa?

Phải nói thật là chưa. Chặng đường mới bắt đầu thôi. 

Nhìn chung, nhiều cơ quan báo chí vẫn bị ràng buộc tư duy của kiểu làm báo truyền thống, chậm thay đổi. Năm ngoái, khi lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí, mới chỉ 3,66% đơn vị đạt mức xuất sắc, còn tới 63% đạt mức yếu.

Bên cạnh một số cơ quan báo chí đi rất xa và rất chủ động trong việc làm nội dung trên không gian mạng, thì cũng còn một bộ phận các cơ quan báo chí vẫn tư duy theo kiểu phải được cấp kinh phí và phải được Nhà nước tập huấn, đào tạo thì mới làm. Trong khi đó, nhiều bạn trẻ bây giờ nhanh nhạy tìm kiếm thông tin trên mạng, tự học tự hành, vẫn có thu nhập ổn định, thậm chí trở thành giàu có. 

Chúng ta không khỏi băn khoăn suy nghĩ về hiện trạng một bên là các nhà sáng tạo nội dung hừng hực sức sống như vậy với một bên là một bộ phận các cơ quan báo chí già cỗi, không theo kịp thời cuộc. Các cơ quan báo chí bắt buộc phải đổi mới nhận thức và hành động, không thụ động trông chờ vào “bầu sữa” ngân sách nữa, thì mới có thể tồn tại và phát triển.

Con đường phía trước vẫn còn dài, cần sự đồng lòng chung tay của cả 4 bên gồm: Cơ quan báo chí - Nhãn hàng, đại lý quảng cáo - Nhà nước - Nền tảng mạng xã hội.

Các cơ quan báo chí phải thay đổi, tích cực làm nội dung tốt, không chỉ trên kênh truyền thống của mình mà còn cả trên mạng Internet.

Nhà nước lan tỏa thông điệp, chủ trương, triển khai một số biện pháp quản lý hành chính để nắn chỉnh dòng tiền từ những nội dung “bẩn” chuyển vào nội dung “sạch”. 

Các nhãn hàng, đại lý quảng cáo phải nâng cao ý thức bảo vệ thương hiệu của mình, không chạy theo view bằng mọi giá. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã làm việc với các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, nói rất rõ rằng, kiếm được 1 triệu view ở nội dung xuyên tạc, xấu độc thì nhiều khi vẫn bị phản tác dụng. Nhưng nếu kiếm 1 triệu view ở nội dung sạch, đem lại giá trị và những điều tích cực cho cuộc sống, có đóng góp cộng đồng, thì sẽ gây thiện cảm cho công chúng về nhãn hàng. 

Và các nền tảng mạng xã hội cũng nên có chính sách, biện pháp khuyến khích nội dung “sạch”, hạn chế nội dung “bẩn”.

Thời gian tới, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ làm gì để tiếp tục phát huy hiệu quả của White List?

Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai White List mở rộng, từ 5.000 kênh có thể tăng lên 50.000 kênh.

Dự kiến cuối năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì tổ chức Ngày hội Nhà sáng tạo nội dung, tôn vinh những nhà sáng tạo nội dung có đóng góp cho cộng đồng. 

Mặt khác, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ tăng cường xử lý những quảng cáo gắn vào nội dung xấu độc, nội dung vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các nền tảng mạng xã hội, nhất là các nền tảng xuyên biên giới, để phát hiện và gỡ bỏ các trang/kênh có nội dung vi phạm. Vừa rồi Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã đóng rất nhiều trang/kênh rồi. Thời gian tới sẽ tiếp tục làm nghiêm để giảm thiểu những người có ý định mở kênh đăng nội dung xấu.

Cảm ơn ông nhiều vì đã dành thời gian chia sẻ thông tin với độc giả VietNamNet.

Thông điệp và mong muốn của Bộ Thông tin và Truyền thông là những người làm nội dung “sạch” sẽ “sống được” và “sống khỏe”.

Các cơ quan báo chí bắt buộc phải đổi mới nhận thức và hành động, không thụ động trông chờ vào “bầu sữa” ngân sách nữa, thì mới có thể tồn tại và phát triển.

Bình Minh (Thực hiện)

Nguồn https://vietnamnet.vn/white-list-giup-bao-chi-song-khoe-voi-noi-dung-sach-2293518.html