Dòng tiền bắt đầu đổ vào các nội dung sạch, mang đến sự bình đẳng và phát triển hơn cho thị trường quảng cáo Việt Nam.
Thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những vấn đề liên quan tới tình trạng "quảng cáo bẩn". Đó là khi thông tin quảng cáo của các nhãn hàng bị đặt vào nội dung xấu độc, câu view, câu like, vi phạm bản quyền, thậm chí vi phạm pháp luật.
Tâm lý chung của các đại lý quảng cáo, các nhãn hàng là muốn bằng mọi cách đạt được KPI (chỉ tiêu) về số view (lượt xem), càng nhiều view càng tốt.
Thay vì quan tâm đến việc bảo vệ an toàn thương hiệu, một số đại lý, nhãn hàng cố tình đặt quảng cáo vào các "nội dung bẩn" trên các nền tảng nước ngoài nhằm thu hút sự chú ý của người dùng và gia tăng tăng doanh số bán hàng. Thực trạng trên đã vô tình mang tới dòng tiền, cung cấp nguồn sống cho những người làm nội dung xấu độc.
Trong khi đó, các nền tảng truyền thông và cơ quan báo chí trong nước phải tuân thủ nhiều quy định về quảng cáo. Cũng vì thế, giá quảng cáo của các nền tảng truyền thông trong nước thường cao hơn so với nền tảng nước ngoài. Điều này dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh và công bằng trong hoạt động của các doanh nghiệp.
Việc đặt quảng cáo vào các nội dung thiếu chuẩn mực trên nền tảng xuyên biên giới có thể gây tác động xấu đến thương hiệu doanh nghiệp. Ảnh: Trọng Đạt
Để lành mạnh hóa thị trường quảng cáo trực tuyến, một trong những giải pháp quan trọng được Bộ TT&TT đề ra là nắn chỉnh dòng tiền quảng cáo, từ những trang có nội dung độc hại về các trang có nội dung chính thống, hữu ích.
Đây là việc đã được Cục Phát thanh truyền hình & thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT) thực hiện suốt thời gian qua. Dù nhiều khó khăn, công việc này đã mang lại những kết quả thiết thực.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, trong năm 2023, đơn vị này đã tiến hành xử phạt các đại lý quảng cáo, nhãn hàng để họ hiểu được rằng, nếu đặt quảng cáo vào các nội dung độc hại, chính nhãn hàng, đại lý sẽ bị ảnh hưởng thương hiệu trước tiên.
Song song với đó, Cục PTTH&TTĐT cũng khuyến khích mở rộng danh sách White List (nội dung được xác thực khuyến nghị quảng cáo). Đây là tập hợp các đối tượng nội dung (báo, tạp chí, người sáng tạo nội dung) được Bộ TT&TT giới thiệu cho các nhãn hàng và đại lý quảng cáo.
Bộ TT&TT khuyến nghị các doanh nghiệp xem xét lựa chọn quảng cáo trong danh sách White List nhằm đảm bảo an toàn thương hiệu, góp phần phát triển hệ sinh thái quảng cáo và nội dung số Việt Nam an toàn, lành mạnh.
Các thương hiệu bắt đầu có sự dịch chuyển dòng tiền quảng cáo sang các nội dung sạch. Trong ảnh là Phạm Quang Linh - chủ nhân kênh YouTube Quang Linh Vlog với nhiều video lan tỏa năng lượng tích cực. Ảnh đồ họa: VNN
Đại diện Cục PTTH&TTĐT cho biết, cuối năm 2023, sự dịch chuyển dòng tiền quảng cáo đã dần rõ nét hơn. Các đại lý quảng cáo, nhãn hàng bị xử phạt trên các nền tảng xuyên biên giới bắt đầu có sự chuyển hướng.
Các nền tảng xuyên biên giới khi vào Việt Nam buộc phải tuân thủ luật pháp, nếu không sẽ bị tẩy chay, không cho hoạt động. Dưới áp lực này, hiện các nền tảng xuyên biên giới bắt đầu áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn nội dung độc hại trên không gian mạng Việt Nam.
“Mức độ chênh lệch giữa dòng tiền quảng cáo trong nước và nước ngoài đã bắt đầu thu hẹp. Dòng tiền đổ về trong nước cũng đã tăng lên. Năm 2024, mục tiêu của chúng tôi là đẩy tỷ lệ đó lên cao hơn nữa”, ông Lê Quang Tự Do chia sẻ.
Trên thực tế, nhãn hàng, đại lý đã bắt đầu tìm về các nền tảng trong nước như các cơ quan báo chí chính thống, đài phát thanh truyền hình, các trang web hợp pháp. Điều này mang đến sự bình đẳng hơn cho thị trường quảng cáo Việt Nam.
Theo ông Lê Quang Tự Do, để nắn dòng tiền quảng cáo khỏi các kênh xấu độc và thúc đẩy sự phát triển của các kênh truyền thông chính thống, giải pháp quan trọng nhất mà Bộ TT&TT đề ra cho năm 2024 là mở rộng danh sách White List.
“White List nhỏ thì các doanh nghiệp quảng cáo, nhãn hàng không đủ chỉ tiêu. Chúng tôi sẽ mở rộng và kêu gọi các trang kênh, tài khoản làm nội dung sạch, hợp pháp đăng ký với Bộ TT&TT qua cổng thông tin điện tử hoặc qua mạng lưới MCN (mạng đa kênh), các cánh tay nối dài của các nền tảng xuyên biên giới”, đại diện Cục PTTH&TTĐT nói.
Đặc biệt, Cục PTTH&TTĐT kêu gọi các nhãn hàng quảng cáo trên các cơ quan báo chí, các nền tảng, ứng dụng hợp pháp trong nước.