Thứ năm, 28/11/2024 02439448033 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ năm, 28/11/2024 Phát thanh, truyền hình

Thứ sáu, 08/11/2024

Giao ban công tác quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình năm 2024

Chiều ngày 04/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo Giao ban công tác quản lý hoạt động dịch vụ phát thanh, truyền hình với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên cả nước. 

Đây là hoạt động thường niên của cơ quan quản lý nhà nước, năm nay, có trên 100 đại biểu tham dự Giao ban với đầy đủ các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan, gồm Lãnh đạo các cơ quan quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông như: Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (chủ trì hội thảo), Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Vụ Pháp chế, Thanh tra; Lãnh đạo các cơ quan quản lý của Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch như: Cục bản quyền tác giả, Cục Điện ảnh; Lãnh đạo một số Sở Thông tin và Truyền thông của Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Bắc Ninh; Lãnh đạo một số Đài Truyền hình lớn ở trung ương như: Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam,  Trung tâm Truyền hình Thông tấn; Trung tâm Truyền hình Nhân dân; Trung  tâm Phát thanh, truyền hình Quân đội; Truyền hình Công an Nhân dân; Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC…; Lãnh đạo các Đài PTTH địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Tháp…; Ban Lãnh đạo Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam; Đại diện Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam; Lãnh đạo, chuyên viên của hầu hết các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền lớn trên toàn quốc và các doanh nghiệp đại lý kênh truyền hình nước ngoài.

Ảnh: Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử phát biểu khai mạc hội thảo (Abei).

Tại Giao ban, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã cung cấp cho đại biểu số liệu chi tiết về thị trường dịch vụ phát thanh, truyền hình trong một năm qua; tổng kết các nhiệm vụ cơ quan quản lý nhà nước đã triển khai; các lưu ý, định hướng, nhắc nhở đối với các doanh nghiệp tham gia thị trường.
Theo thông kê quản lý nhà nước, đến hết năm 2023, toàn thị trường có 35 doanh nghiệp có Giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, trong đó có 23 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền truyền thống (truyền hình cáp: tương tự, kỹ thuật số, IPTV, truyền hình số mặt đất, truyền hình qua vệ tinh, truyền hình di động) và có 21 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet (OTT TV). Tổng thuê bao truyền hình trả tiền đạt 21 triệu, tăng 14% so với hết năm 2022 (18,3 triệu thuê bao); trong đó thuê bao OTT TV là 7,4 triệu thuê bao tăng trên 33% so với năm 2022 (5,56 triệu). Doanh thu thuê bao cả năm 2023 đạt 10.305 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2022 (9.926 tỷ); trong đó doanh thu OTT TV là 1.688 tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm 2022 (1.558 tỷ đồng).

Ảnh: Biểu đồ số liệu doanh thu thuê bao dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền

Công tác quản lý nhà nước dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền giai đoạn từ tháng 10/2023 đến hết tháng 9/2024 đạt được nhiều kết quả tích cực, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã cấp 07 Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, cấp 50 Giấy chứng nhận danh mục kênh chương trình, tổ chức 06 đoàn công tác đo kiểm giám sát chất lượng dịch vụ theo Quy chuẩn kỹ thuật được ban hành, tổ chức 02 đoàn khảo sát tại doanh nghiệp để phổ biến pháp luật đến các doanh nghiệp, tổ chức 15 đoàn đối soát phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Về phía địa phương, Sở TTTT các tỉnh/ thành phố đã tổ chức 30 cuộc kiểm tra/ thanh tra doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền trong hoạt động cung cấp dịch vụ tại các địa phương, kịp thời chấn chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ. Trong năm 2024, các cơ quan thanh tra bên cạnh việc nhắc nhở cũng đã kiên quyết xử lý vi phạm hành chính với số tiền phạt vi phạm hành chính gần 500 triệu đồng.

Để tăng cường quản lý, liên tục nắm bắt thực tiễn, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý hoạt động dịch vụ phát thanh, truyền hình. Hệ thống báo cáo trực tuyến của Cục hoạt động hiệu quả, thực hiện tiếp nhận trên 500 báo cáo nghiệp vụ trực tuyến tại địa chỉ https://report.abei.gov.vn/ và tổ chức tiếp nhận ý kiến, phản ánh của người dân, doanh nghiệp đối với các sai phạm trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet tại địa chỉ https://abei.gov.vn/phan-anh-ott. 

Thực hiện chức trách quản lý nhà nước, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã liên tục phổ biến pháp luât, hướng dẫn, nhắc nhở doanh nghiệp về tuân thủ Giấy phép, Giấy chứng nhận danh mục kênh chương trình, thực hiện báo cáo nghiệp vụ đầy đủ, đúng thời hạn; quản lý việc biên tập, phân loại nội dung theo yêu cầu trên dịch vụ theo đúng quy định pháp luật mới được ban hành. 

Về định hướng phát triển thị trường, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã cung cấp cho đại biểu thông tin cập nhật về sự phát triển của thị trường dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền trên thế giới, về số liệu phát triển doanh thu và phát triển thuê bao của từng loại hình dịch vụ truyền hình trả tiền, gồm dịch vụ OTT TV và các loại hình dịch vụ truyền hình trả tiền truyền thống khác (như cáp, vệ tinh, mặt đất, di động) tại từng Châu lục và một số nước trên thế giới; Các số liệu thống kê về nội dung trên dịch vụ, thể loại nội dung được xem nhiều tại một số nước trên thế giới để đánh giá xu hướng xem; Các thông tin về mua bán, sát nhập doanh nghiệp để thích ứng thời kỳ mới của thị trường…. 

Trong khuôn khổ hội thảo, một số công nghệ mới đã được giới thiệu đến đại biểu. Chuyên đề ứng dụng AI trong biên tập, rà soát nội dung của Công ty Cổ phần Viễn thông FPT đã cung cấp giải pháp công nghệ thời gian thực, biên tập nội dung theo yêu cầu cung cấp trên dịch vụ.

Ảnh: Đại diện Công ty FPT trình bày giải pháp ứng dụng AI để biên tập nội dung theo yêu cầu (Abei).

Chuyên đề ứng dụng AI của Công ty Cổ phần VieOn trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông minh, gợi ý hướng đối tượng trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn phục vụ nhu cầu đa dạng của thuê bao và phát triển nguồn thu từ quảng cáo.

Ảnh: Đại diện Công ty VieOn trình bày giải pháp ứng dụng AI để quản lý nội dung trên dịch vụ (Abei).

Phần chương trình tương tác quan trọng của hội thảo là phiên trao đổi, giải đáp kiến nghị giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp. Hàng chục câu hỏi, kiến nghị về ba nhóm nội dung liên quan đến phí tác quyền âm nhạc, căn cứ pháp lý thu thập dữ liệu người dùng hay việc triển khai các gói dịch vụ mới, đã được Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Bản quyền tác giả trao đổi, làm rõ và hướng dẫn cụ thể để tạo thuận lợi trong thực thi pháp luật của doanh nghiệp.

Ảnh: Đại diện cơ quan quản lý nhà nước tham gia trao đổi, giải đáp kiến nghị (Abei).

Hội thảo Giao ban đã tổ chức thành công tốt đẹp, qua sự kiện này, cơ quan quản lý đã cung cấp thông tin đầy đủ về hiện trạng và xu hướng phát triển của thị trường dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, cũng như kịp thời có những tổng kết, đánh giá từ đó lưu ý doanh nghiệp trong việc tuân thủ quy định pháp luật và định hướng để các doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới. Các doanh nghiệp đầu ngành đã có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng AI trong quản lý, phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền. Các đại biểu tham dự hội nghị được trình bày trực tiếp, thẳng thắn các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thực tiễn và được các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trao đổi, phổ biến các quy định pháp luật chuyên ngành để các doanh nghiệp hiểu, thực hiện, cũng như đề xuất giải pháp thúc đẩy thị trường dịch vụ phát thanh, truyền hình cạnh tranh công bằng, phát triển lành mạnh.

BBT